Ngành Điện công nghiệp là gì?
Điện công nghiệp là ngành đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong cuộc sống hiện nay từ kinh doanh, sản xuất cho đến sinh hoạt hàng ngày của tất cả mọi người. Ngành này có nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo sự vận hành ổn định của nguồn điện, đồng thời phát triển hệ thống truyền tải điện an toàn, hợp lí và hiệu quả phục vụ hoạt động sản xuất công, nông nghiệp; thương mại dịch vụ và dân sinh.
Yêu cầu công việc đối với các công nhân, kỹ sư ngành Điện Công nghiệp phải đảm bảo thực hiện thành thạo các thao tác như: lắp đặt, đấu nối các hệ thống tín hiệu điện, các thiết bị truyền tải điện; vận hành, kiểm tra và sửa chữa, bảo trì các hệ thống thiết bị điện cho công ty, nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư hoặc các thiết bị điện công nghiệp khác,…
Tại sao nên học ngành Điện công nghiệp?
Dù trải qua thời gian học chính quy, học nghề hay tự học đi chăng nữa, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Điện công nghiệp đều có khả năng tìm kiếm việc làm ngay. Do nhu cầu sử dụng điện liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống, hơn nữa hiện nay, rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp mở rộng kinh doanh tuyển dụng số lượng đáng kể các công nhân, kỹ sư điện công nghiệp.
Sau khi trang bị đầy đủ kiến thức chuyên ngành, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, bạn hoàn toàn có thể làm việc tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trên toàn quốc hoặc có thể tự mở cho mình một cơ sở kinh doanh riêng. Những ai có năng lực, kinh nghiệm và chí cầu tiến cao có thể trở thành trưởng bộ phận, giám sát, quản lý tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp có sử dụng hệ thống Điện công nghiệp.
Một số cơ hội nghề nghiệp mà Kỹ sư ngành Điện công nghiệp có thể có được như:
- Tự mở cửa hàng kinh doanh tự do hoặc làm kỹ thuật viên cho các doanh nghiệp kinh doanh về vật tư, thiết bị ngành điện, điện công nghiệp.
- Tự mở cửa hàng sửa chữa, bảo trì các loại thiết bị điện, các loại máy điện, máy bơm nước, lắp đặt hệ thống điện …
- Tự mở doanh nghiệp kinh doanh hoặc làm kỹ thuật viên cho các công ty chuyên về lĩnh vực điện, làm việc tại các các công trình từ dân dụng đến công nghiệp, các tòa nhà, khách sạn khi có nhu cầu
- Tham gia làm việc tại các bộ phận quản lý, vận hành, bảo trì mạng lưới điện cho các tòa nhà, căn hộ, khách sạn, các nhà máy sản xuất chế biến lương thực thực phẩm, dệt may, sản xuất đồ nhựa, đồ gỗ,…
- Làm việc tại các trung tâm, nhà máy sản xuất điện như nhà máy nhiệt điện, thủy điện,…
Mức lương của ngành Điện công nghiệp
Được biết, mức lương của ngành Điện công nghiệp cũng khá hấp dẫn, dao động từ 3,5 – 5 triệu/tháng đối với những người mới ra trường. Sau 1 – 2 năm, khi có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tăng lên, mức lương có thể lên đến 7 – 10 triệu/tháng. Đặc biệt, nếu có tay nghề cứng và trình độ chuyên môn tốt, kết hợp với vốn ngoại ngữ thông thạo thì mức lương lúc này còn cao hơn nữa từ 15 – 20 triệu/tháng, có cơ hội làm việc với các tập đoàn nước ngoài.
Học ngành Điện công nghiệp là học gì?
Chương trình đào tạo ngành Điện công nghiệp được thiết kế nhằm đào tạo các cử nhân Cao đẳng có đủ kiến thức và năng lực phục vụ cho nhu cầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, đời sống về lĩnh vực điện công nghiệp. Sau thời gian đào tạo 3 năm sinh viên có thể đạt được các kỹ năng:
- Lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa các loại thiết bị điện, khí cụ điện, mạch điện công nghiệp tại các nhà máy, xí nghiệp.
- Vận hành và bảo trì các hệ thống phân phối điện năng mạng hạ áp, hệ thống chống sét và nối đất, hệ thống bảo vệ an ninh, an toàn điện;
- Vận hành và bảo trì hệ thống điều khiển tự động công nghiệp, các hệ thống dịch vụ và công cộng, hệ thống PLC, vi xử lý;
- Làm việc độc lập và hợp tác nhóm.
- Chuẩn đầu ra (kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp)
- Đạt được kiến thức liên quan lĩnh vực điện, điện tử;
- Đạt được kỹ năng nghề liên quan lĩnh vực điện, điện tử;
- Có tác phong công nghiệp, thực hiện 5S, an toàn và vệ sinh lao động;
Học ngành điện công nghiệp ra trường làm gì?
Người hành nghề Điện công nghiệp thường được bố trí làm việc ở các nhà máy hoặc phân xưởng, các công ty, doanh nghiệp điện điện tử, làm việc trong các tổ cơ điện, phòng bảo dưỡng bảo trì thiết bị điện của các nhà máy, xí nghiệp.
Nhiệm vụ của một kỹ sư điện công nghiệp là lắp ráp, vận hành các thiết bị điện tử trong xí nghiệp và dây chuyền công nghiệp; lắp đặt và sửa chữa, bảo dưỡng các mạch điện tử cơ bản; lắp đặt và sửa chữa bảo dưỡng các khí cụ điện hạ thế; lắp đặt và sửa chữa, bảo dưỡng các bộ điều khiển; lắp đặt và bảo trì các mạch xung – số; lắp đặt và sửa chữa các vi mạch số và IC thông dụng; phân tích, lắp ráp các bộ biến đổi công suất; lắp đặt các hệ thống đo lường điện tử; lắp đặt các tủ điều khiển thiết bị công nghiệp, các thiết bị và hệ thống bảo vệ, các bảng mạch điện tử công nghiệp; kiểm tra sửa chữa được các hư hỏng trên thiết bị điện tử công nghiệp; thay thế tương đương, linh kiện, mạch điện hư hỏng đơn giản trên thiết bị điện tử công nghiệp; hiệu chỉnh được các thông số kỹ thuật của mạch điện; xử lý một số tình huống phát sinh trong quá trình làm việc của thiết bị; lập trình đơn giản các phần mềm khi có sự cố; kết nối mạch điện đúng theo sơ đồ nguyên lý; chống ẩm và rò điện tốt cho thiết bị; vận hành chạy thử toàn bộ mạch điện; thực hiện các biện pháp an toàn lao động, an toàn điện và vệ sinh công nghiệp”