Tỉnh Bình Dương xác định việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển, phải vừa khẳng định được vị trí của một tỉnh công nghiệp phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vừa tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Ngành công nghiệp đóng vai trò thúc đẩy kinh tế
Giai đoạn 2001-2010, GDP theo giá so sánh 1994 tăng bình quân 14,71%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2010 đạt 72,3 triệu đồng, gấp 2,29 lần mức bình quân chung của cả nước (cả nước đạt 31,5 triệu đồng).
Trong đó, GRDP theo giá so sánh 2010 tăng bình quân 8,68%/năm, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2020 đạt 150,98 triệu đồng, gấp 1,85 lần mức bình quân chung của cả nước (cả nước đạt 81,6 triệu đồng). Trong tổng mức tăng chung của nền kinh tế, ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng, giai đoạn 2011-2020 bình quân tăng 9,99%/năm (cả nước tăng 7,33%/năm), trong đó: giai đoạn 2011-2015 bình quân tăng 9,1%/năm, giai đoạn 2016- 2020 bình quân tăng 10,89%/năm.
Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2020 (Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,78%; Đồng Nai tăng 2,15%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 6,26%).
Advertisements
Ads end in 02
Trong tổng mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực I (nông, lâm nghiệp và thuỷ sản) tăng 2,01% so với cùng kỳ; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng 4,32%; khu vực III (dịch vụ) giảm 1,73%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 1,03%. GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 152,25 triệu đồng.
Về quy mô của nền kinh tế, trong những năm qua quy mô nền kinh tế liên tục gia tăng. Năm 2021, GRDP theo giá hiện hành đạt 408.861 tỷ đồng, tăng gấp 104,3 lần so với năm 1997 (tăng 404.942 tỷ đồng), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gấp 14,2 lần (tăng 11.794 tỷ đồng); công nghiệp và xây dựng tăng gấp 140,6 lần (tăng 275.693 tỷ đồng); dịch vụ tăng gấp 112,2 lần (tăng 116.784 tỷ đồng).
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao và có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng chung của cả nền kinh tế vẫn là khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 67,91% tổng GRDP của tỉnh. Năm 1997 GRDP của Bình Dương chiếm tỷ trọng 1,25% GDP của cả nước, đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 4,6% GDP của cả nước và đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 4,9% của cả nước.
Trong năm 2021, đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư xảy ra trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước của địa phương. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 61.200 tỷ đồng, giảm 4,37% so với năm 2020, trong đó: thu nội địa 42.700 tỷ đồng, giảm 11,95%; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 18.500 tỷ đồng, tăng 19,35%. Đây là năm duy nhất trong 25 năm qua (1997-2021), thu ngân sách địa phương giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bình quân giai đoạn 1997-2021, thu ngân sách nhà nước địa phương đạt được tốc độ tăng cao, bình quân tăng 19,76%/năm, trong đó: thu nội địa tăng bình quân 18,56%/năm; thu thuế xuất nhập khẩu tăng 25,12%/năm.
Chi ngân sách địa phương bảo đảm đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chi ngân sách nhà nước năm 2021 tăng gấp 78,63 lần so với năm 1997. Giai đoạn 1997-2021, tổng chi ngân sách là 195.373 tỷ đồng, bình quân tăng 20,67%/ năm (trong giai đoạn 1997-2000 bình quân tăng 24,76%/năm, giai đoạn 2001-2010 tăng bình quân 25,11%/năm, giai đoạn 2011-2021 là 166.038 tỷ đồng).
Ngoài ra, chi cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 1997-2021 là 80.829 tỷ đồng, chiếm 41,37% tổng chi ngân sách địa phương, bình quân tăng 22,35%/năm; chi thường xuyên 109.555 tỷ đồng, chiếm 56,07% tổng chi ngân sách địa phương, bình quân tăng 19,89%/năm.
Chi ngân sách địa phương năm 2021 đạt 32.138 tỷ đồng, tăng 69,78% so với năm 2020, trong đó: chi đầu tư phát triển 11.833 tỷ đồng, tăng 42,87% (vốn đầu tư phát triển chủ yếu phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình giao thông, xây dựng nông thôn mới,...). Chi thường xuyên đạt 20.203 tỷ đồng, tăng 91,64% so với cùng kỳ. Đây là năm chi ngân sách nhà nước tăng cao nhất trong giai đoạn 1997-2021, chủ yếu là chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thu hút nguồn lực xã hội với nhiều phương thức đầu tư
Tỉnh đã tập trung huy động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội với nhiều phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, với hệ thống giao thông quốc gia.
Trong đó, các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: đoạn tuyến trùng với các đường vành đai như đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn tuyến đường Vành đai 3), cầu Thủ Biên, cầu Thới An, đường từ cầu Thới An đến ĐT 748 (đây là các dự án thuộc các đoạn tuyến nằm trên đường Vành đai 4). Những công trình này, cùng với những công trình giao thông đối ngoại đã được đầu tư trước đó (Quốc lộ 13, ĐT 741, ĐT 743, ĐT 747, ĐT 744…) đã phát huy vai trò tích cực trong kết nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tổng số vốn đầu tư phát triển năm 1997 là 3.024 tỷ đồng, đến năm 2021 là 123.708 tỷ đồng, gấp 40,9 lần so với năm 1997; Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 9,53% tổng số, gấp 49,33 lần năm 1997; khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 38,61%, gấp 100,55 lần năm 1997; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 51,86%, gấp 27,77 lần năm 1997. Tổng vốn đầu tư phát triển thời kỳ 1997-2021 đạt 1.129.706 tỷ đồng, bình quân tăng 17,65%/năm. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GRDP (theo giá hiện hành) năm 2010 là 32,5% và đến năm 2020 là 33,2%.
Vốn đầu tư Nhà nước giai đoạn 1997-2021 đạt 167.613 tỷ đồng, chiếm 14,84% trong tổng số vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh, tăng bình quân 19,29%/năm. Nguồn vốn đầu tư này dùng chủ yếu cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhiều công trình quan trọng trong các lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe... đã được xây dựng và nâng cấp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vào những ngành, lĩnh vực mà các nguồn vốn khác hạn chế đầu tư.
Đầu tư ngoài nhà nước giai đoạn 1997-2021 đạt 379.649 tỷ đồng, chiếm 33,6% trong tổng nguồn vốn đầu tư, tăng bình quân 24,54%/năm. Đầu tư ngoài nhà nước chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở dân cư, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế; khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp tích cực vào thu ngân sách địa phương hằng năm; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đầu tư FDI giai đoạn 1997-2021 đạt 582.444 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng vốn đầu tư, tốc độ tăng bình quân 15,4%/năm. Đây là khu vực có tốc độ tăng vốn đầu tư cao nhất bình quân hàng năm. Vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất, lắp ráp linh kiện, phụ kiện điện tử, may mặc, dệt... Nguồn vốn này đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đóng góp vào ngân sách địa phương hàng năm.